26 thg 7, 2015

Đá ong xứ Đoài Hà Nội – thông điệp tự ngàn xưa

Trong những không gian sống sang trọng và hiện đại của người Thủ đô, sự hiện diện của đá ong xứ Đoài đã trở thành gu thẩm mỹ độc đáo của khá nhiều người nổi tiếng sành điệu!
Đằng sau vẻ ngoài xù xì, thô ráp, màu vàng sậm và lỗ chỗ như tổ ong, những viên đá ong của xứ Đoài luôn có một vẻ đẹp bí ẩn, vững chắc. Đặc biệt sắc vàng óng ánh như mật ong luôn tạo cho con người ta cảm giác ấm cúng, thân quen mà không lành lạnh như các loại đá khác. 
Phải chăng vì thế mà từ xa xưa, cha ông ta đã chọn đá ong làm vật liệu chính để xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Và quả không sai khi chúng ta đặt chân tới vùng đất Đường Lâm - nơi đã được công nhận là làng cổ duy nhất trong cả nước - nơi vẫn còn lưu giữ, hiện hữu những công trình kiến trúc cổ kính, kiêu sa được xây dựng bằng đá ong mang đầy vẻ huyền hoặc cho sự kết nối giữa quá khứ với những lớp trầm tích văn hoá và nền văn minh hiện đại!
Vẻ quyến rũ dễ nhận thấy nhất của Đường Lâm chính là cái màu vàng sậm ngọt ngào ở những vỉa đá ong cổ. Ở đây, đâu đâu cũng thấy màu vàng ấm cúng của những vòm cổng, bức tường đá ong già nua, thành giếng cổ, cộng hưởng với sắc màu rực rỡ trong các sân gạch ăm ắp ngô vàng của nghề làm tương truyền thống, tạo nên bức tranh sống động, đủ đầy…

Bây giờ thì đá ong xứ Đoài đã trở thành hàng “đặc sản” của các nhà thầu xây dựng, bởi vẻ đẹp tự nhiên, màu mỡ như ngập tràn sự sống! Theo các nhà nghiên cứu khoa học thì đá ong là loại vật liệu bền chắc, có sẵn trong tự nhiên, có thể được khai thác dễ dàng ở độ sâu chừng 1m bằng một loại công cụ tên là thốn. Hiện ở Hà Nội, đá ong không chỉ được sử dụng làm tường bao các khu nhà biệt thự, mà các sản phẩm từ đá ong đã chiếm giữ một phần không gian quan trọng trong các khu du lịch cao cấp hay ngay trong khuôn viên các khu vui chơi giải trí, như tại CLB Đầm Sen ở Quảng Bá, đá ong không chỉ để dựng nhà mà còn được bàn tay người thợ điêu khắc đá tạo dựng thành những nhóm tượng rất đẹp.
Anh Nguyễn Văn Mười, người thành công trong việc kinh doanh đá ong ở Hạ Bằng và cũng là người sớm thành lập Công ty chuyên kinh doanh mặt hàng đá ong tâm sự: “Tôi đã từng đi xa làm xây dựng, sử dụng nhiều loại đá và gạch, nhưng không thể nào quên được cái màu thổ hoàng của những bức tường đá ong”. Có lẽ cũng bởi quá yêu cái màu đặc trưng của vùng đất quê mình mà anh Mười đã bỏ nhiều tâm huyết nghiên cứu, tạo dựng ra nhiều sản phẩm ấn tượng từ chất liệu đá ong.

Từ những con giống sinh động, bộ tượng cổ kính, độc đáo được gọt đẽo công phu từ chất liệu đá ong thiên nhiên sẵn có của vùng quê Hạ Bằng, Thạch Thất đến những mái vòm cổng lộng lẫy ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp trong Nam, ngoài Bắc... Mỗi sản phẩm, mỗi công trình xây dựng, anh đều dày công hoàn thiện với tâm nguyện mãi mãi lưu dấu ấn đá ong xứ Đoài. Cũng có nhiều công trình, theo yêu cầu của khách, thợ công ty anh phải kỳ công mài bóng mặt đá, nhưng dẫu thay đổi, hay tạo bóng đến đâu thì ấn tượng về màu loang chảy tự nhiên thì chỉ đá ong xứ Đoài mới có và không thể lẫn vào đâu được! Hoặc, cũng có nhiều nhà thuê thợ dùng máy bơm nước áp lực mạnh để phun vào mặt đá tạo thêm độ xù xì, thô ráp... lại càng tôn thêm nét độc đáo, vẻ đẹp cá tính cho biệt thự của không ít “đại gia” Hà thành.

Tìm về vùng quê của đá ong để hiểu thêm về loại đá tự nhiên, mộc mạc này bây giờ thật dễ. Bởi chẳng phải đâu xa và cũng bởi đá ong xứ Đoài giờ đã có tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Chỉ cần ngược về phía Tây thủ đô Hà Nội, theo đường cao tốc Láng – Hoà Lạc chừng 25km là đến Thạch Thất - một huyện điển hình có nghề khai thác đá ong. Không hiểu do vô tình hay hữu ý mà người xưa lại lấy tên “Thạch Thất” để đặt tên cho mảnh đất này. Theo cụ Chinh, người cao tuổi thôn Phúc Tiến, xã Bình Yên thì tên huyện có ý nghĩa riêng. Trong tiếng Hán “Thạch” là đá, quy chiếu với mảnh đất này thì đó là loại đá ong.
Tiếng “Thất” nằm trong tổ hợp từ “gia thất” có thể được hiểu là cái tên mang đặc điểm vùng đất xây dựng nhà cửa bằng đá ong. Quả đúng thế, nếu ai đã đến đây rồi ắt sẽ ngạc nhiên vì phải mỏi mắt mới tìm ra nhà xây bằng gạch. Ở Thạch Thất, bước chân từ nhà ra là thấy đá, có gia đình, đá ong hiển hiện ở khắp nơi: nhà ở, bếp, giếng, chuồng lợn, nhà vệ sinh, hàng rào, đá xây nhà, đá làm bậc thềm, đá làm cầu ao…
Đá ong quen thuộc tới mức, hình ảnh những ngôi đình, ngôi chùa xây dựng bằng chất đá này in sâu vào tiềm thức của người dân, nhất là những người con xa quê: Gần 300 bậc đá từ cổng dẫn lên chùa Tây Phương cổ kính; Xa hơn chút là gác chuông chùa Trầm hay những bức tường chùa Trăm Gian, chùa Mía, thành hào Sơn Tây…Cũng theo cụ Chinh, tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này những viên đá quý giá, có một không hai nên nhiều thế hệ trước, dân ở vùng đất này đã biết đào đá ong để xây. Mà nhà được xây từ đá ong vừa rẻ, lại mát về mùa hè, ấm trong mùa đông. Cũng vì truyền thống xây nhà từ đá ong nên ở xã Bình Yên hình thành nghề đào đá ong. Cả xã có khoảng 200 hộ làm nghề này thì riêng thôn Cánh Chủ đã chiếm hơn nửa.
Bác Sớt, nguyên Chủ tịch xã Bình Yên cho biết: Dù nghề đào đá ong ở xã hiện rất phát triển nhưng khởi thủy của nghề thì chẳng ai biết rõ ngọn nguồn, chỉ biết đã có nhiều đoàn cán bộ tới khảo sát và họ nói chuyện với dân làng là dựa vào niên đại của những công trình kiến trúc cổ ở nhiều địa phương có thể thấy ông cha đã sử dụng đá ong làm vật liệu xây dựng từ nhiều thế kỷ trước mà qua thời gian đến nay vẫn vững chắc, bền màu như thách thức thời gian, mưa, nắng...
Có lẽ mang trong mình sắc màu của thời gian, những nét giá trị cổ xưa mà giữa sự hiện đại của hôm nay, những công trình từ đá ong lại trở thành quý hiếm! Chính vì thế, 5 năm trở lại đây, người ta xây các khách sạn, biệt thự bằng đá ong nhiều nên thợ đào đá ong xứ Đoài không bị thất nghiệp, thu nhập cũng vì thế tăng lên. Anh Nguyễn Văn Toan, người có thâm niên đào đá ong từ thời còn để chỏm cho hay, hiện nay người tìm mua đá ong ngày một nhiều, nhất là khi họ đã phát hiện ra đá ong không chỉ để xây nhà mà còn tạo nên những con giáp, bức tượng phong phú bởi bàn tay khéo léo của người thợ đục. Từ khi làm nghề này, chưa bao giờ anh có hàng tồn đọng. Vừa rồi, nhiều khách hàng ở tận Huế bay ra đặt hàng, anh Toan cũng không dám nhận vì dạo này, đá đang cạn dần...
Dù bây giờ, nghề đào đá ong của người dân Thạch Thất cũng đã đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều gia đình nhưng nghề làm đá ong quả thực vô cùng vất vả, thu nhập không cao như những nghề khác và nếu khai thác thiếu ý thức thì rất có thể một ngày không xa sẽ không còn đá để đào. Nhiều cánh thợ xã Bình Yên, Hạ Bằng xót xa giãi bày với chúng tôi: Người dân xứ Đoài nói chung vẫn coi đá ong là nét văn hoá riêng của của mình, nên nếu một ngày nào đó những ngôi nhà, giếng nước, cầu ao, tường rào... hay những bậc đá nâu sẫm màu đá ong ấm áp từng dẫn khách thập phương thăm viếng chùa mà phải thay thế bằng tường bê tông sơn ve sáng loáng thì thật buồn lắm...
Nhưng, nỗi lo là thế cũng không khác được, vì rồi đây, nơi này sẽ nhường cho các dự án lớn thì, có lẽ, nghề đào đá ong chắc chỉ còn lùi vào quá khứ! Dẫu biết là khi các dự án được triển khai, cũng là thêm một cơ hội tạo việc làm cho nhiều người dân quanh vùng, tạo sắc diện hiện đại cho vùng quê vốn nhọc nhằn, dãi dầu với những tầng đá son sậm, thuỷ chung, nhưng, với những ai đã từng mê đắm sắc màu quyến rũ của những phiến đá ong xứ Đoài hẳn sẽ thoáng chút se lòng tiếc nuối, nếu một ngày nào đó, chúng chỉ còn là những câu chuyện cổ tích của một vùng đầy huyền thoại, rằng: Xứ Đoài – nơi ấy đã từng có đá ong - huyền tích của thời gian


0 nhận xét:

Đăng nhận xét