3 thg 9, 2013

Đá ong Bình Yên

(VOV) - Những người con xứ Đoài đã biết làm giàu từ chính mảnh đất, khối đất ngay bên nhà. Sắc vàng đá ong đang len lỏi vào những khuôn viên của nhà hàng, khách sạn, biệt thự ở thành phố.


Từ lâu tôi đã rất ấn tượng với sắc vàng của đá ong, cái thứ đá được coi là đặc trưng của vùng đất xứ Đoài và điều này dẫn tôi tìm tới Thạch Thất, nơi vốn được biết đến như “thủ phủ” của nghề khai thác và chế tác đá ong.
Đi theo đại lộ Thăng Long về phía tây Thủ đô Hà Nội, chừng 25km là đến Thạch Thất hỏi người dân địa phương được biết, xã Bình Yên là nơi có nhiều mỏ đá ong và hiện còn khai thác. Đúng với tên gọi của nó, xã nằm yên bình bên những đồi thoai thoải đá ong hòa sắc cùng xanh mát của ruộng lúa, rặng tre.
Nơi đây, xóm làng “phủ” một màu vàng đá ong đặc trưng. Đâu cũng thấy đá ong từ cổng nhà, tường rào, tường nhà, nhà bếp, bờ ao… đều làm bằng đá ong. Nhà nghèo xây tường đá ong, nhà giàu cũng làm bằng đá ong, chỉ khác là kiểu cách cầu kỳ, tinh xảo hơn.

Bình yên


Đâu cũng thấy đá ong

Người đầu tiên chúng tôi gặp là bác Hai, một thợ chuyên chế tác đá ong lâu năm. Bác Hai cho biết, đá ong vốn sẵn có ở Thạch Thất có một số chỗ đá còn lộ thiên. Dải đá ong ở đây trải dài từ Thạch Thất xuống tận Chương Mỹ. Cái tên Thạch Thất được đặt ra là ghép bởi hai từ Thạch có nghĩa là đá, Thất có nghĩa là nghề, ngụ ý nơi đây là đất nghề đá ong.
Bác Hai hồ hởi khoe tôi ngôi nhà hai trái ba gian đang xây bằng đá ong lên tới 2 tỷ đồng do làm tường đá ong, tốn gấp 4 lần gạch thường.

 Một chiếc cổng nhà làm bằng đá ong


Chậu đá ong


Để khai thác được những khối đá ong khổ lớn người thợ phải đào rất sâu dưới lòng đất sau đó dùng xe cẩu kéo lên

Nhà kế tiếp chúng tôi tới là nhà Dũng “đá”, một thương hiệu nổi tiếng ở Thạch Thất. Cơ sở của anh Dũng khá lớn nằm ngay bên đường cái bao gồm phòng trưng bày sản phẩm, xưởng sản xuất ngoài trời, nhà ở và khu vườn cảnh đá ong khá cầu kỳ.
Nơi đây các sản phẩm làm từ đá ong bày khắp nơi nhìn rất vui mắt từ đèn vườn, giếng nước, chum vại đến 12 con giáp như: chuột, hổ, rồng, khỉ, trâu... Ấn tượng nhât là tượng đôi voi cao chừng 1,5 mét dài 2.5 mét đang được những người thợ tạo hình.

Anh Tăng Hữu Dũng chủ cở sở chế tác đá ong Bình Yên-Thạch Thất

Xuất phát từ một người thợ đóng giầy và làm nông nghiệp, thấy nghề đá ong phát triển mạnh và có nhiều người giàu thích chơi đá ong, anh chớp cơ hội, tập hợp thợ thuyền lại tổ chức sản xuất và kinh doanh đá ong theo quy mô lớn. Nhờ có tư duy kinh doanh năng động nên anh Dũng luôn đông khách. Khách hàng của anh trải khắp đất nước.
Hiện anh Dũng đang thực hiện một công trình đá ong lớn cho nghĩa trang Bình Yên. Anh Dũng cho biết: “Hiện nguồn đá ong cũng bắt đầu khan hiếm nhưng tôi đã tích trữ đủ để làm trong 10 năm. Loại đá tôi khai thác là loại rất cứng nằm sâu dưới lòng đất, xà beng thuốn vào còn tóe lửa nên sản phẩm của tôi trường tồn cùng thời gian. Một con voi nằm để đặt trước sân đình của tôi xuất đi có giá khoảng 80 triệu”. Được biết, thu nhập của thợ đá ong giỏi nghề được anh trả 400.000 đồng/ngày còn thợ bình thường là 200.000 đồng/ ngày.
Thật mừng cho những người con xứ Đoài hôm nay đã biết làm giàu từ chính mảnh đất, khối đất ngay bên nhà. Sắc vàng đá ong thời nay đã len lỏi vào những khuôn viên của nhà hàng, khách sạn, biệt thự ở thành phố. Giờ đây đá ong phục vụ người giàu và người làng nghề cũng có cơ hội làm giàu.

Đèn vườn đá ong


Cở sở chế tác đá ong nhà anh Dũng

Một chiếc miệng giếng cho nhà chùa đang được hoàn thiện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét